Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, DNNVV tại Việt Nam đóng góp quan trọng cho GDP. Đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy nền kinh tế, đẩy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các DNNVV do phụ nữ làm chủ đến chỗ giảm quy mô hoặc dừng hoạt động.
Nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm hiểu những chính sách và thực hành chính sách có nhạy cảm giới tronghỗ trợ các SME tiếp cận tín dụng, đặc biệtđể ứng phó với tác động tiêu cực của đạidịch COVID- 19.
Trước khi có đại dịch COVID-19, Việt Nam có những quy định về nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế cũng như có các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ chủ các chủ doanh nghiệp trên toàn quốc. Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã ban hành một số chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực tiền tệ trong đại dịch COVID-19 và nhằm hỗ trợ DN vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Các chủ trương, chính sách đều trung tính về giới.
Để giúp phụ nữ làm chủ các DNNVV vượt qua đại dịch COVID-19, các định chế tài chính như IFC, ADB đã cung cấp một số hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp này thông qua các NHTM.
Các DNNVV do phụ nữ làm chủ vẫn gặp một số khó khăn trong tiếp cận tín dụng nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Những khó khăn này bao gồm thiếu thống tin, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, thiếu tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp chưa đầy đủ tính pháp lý. Gánh nặng công việc nội trợ cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với các ngân hàng của phụ nữ. Trong khi đó, tài sản bảo đảm, sức khoẻ của doanh nghiệp, mối quan hệ và khả năng thương thảo lại là những yếu tố quyết định quy mô vốn được vay và lãi suất phải trả.
Hầu hết hội sở chính của các NHTM thực hiện các dự án được tài trợ bở IFC, ADB và một số tổ chức tài chính quốc tế khác ý thức rất tốt các gói hỗ trợ tín dụng cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ cũng như truyền thông và phản ánh sự hỗ trợ này trong báo cáo thường niên của các ngân hàng. Tuy nhiên, các chi nhánh ngân hàng và cán bộ tín dụng không hiểu hết ý nghĩa, mục tiêu của các gói hỗ trợ này nên ứng xử như nhau giữa DNNVV do nam giới làm chủ và do phụ nữ làm chủ.
Khuyến nghị tới ngân hàng thương mại:
- Các NHTM thực hiện truyền thông nội bộ nhằm giúp cho các chi nhánh và cán bộ tín dụng hiểu rõ ý nghĩa và yêu cầu đối với các dự án do các tổ chức tài chính quốc tế viện trợ không hoàn lại và nguồn vốn của ngân hàng nhằm hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện bình đẳng giới. Bên cạnh đó, các NHTM cần củng cố thông điệp truyền thông về ý nghĩa của việc hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ đối với uy tín của chính các ngân hàng;
- Các NHTM tổ chức tập huấn về nguyên tắc không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bình đẳng giới thực chất và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực tín dụng để trên cơ sở đó thiết kế và thực hiện các gói tín dụng dành cho DNNVV do phụ nữ làm chủ, góp phần đạt được chỉ tiêu liên quan đến DNNVV do phụ nữ làm chủ đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 -2030;
- Các NHTM tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp để đáp ứng các điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo đầy đủ bằng tiếng Việt, tại đây.
Báo cáo đầy đủ bằng tiếng Anh, tại đây.